Cách chức giám đốc Trung tâm phân bón khu vực Nam Bộ


Ông Trần Quốc Tuấn giám đốc Trung tâm khảo, kiểm nghiệm phân bón khu vực Nam Bộ đã bị cách chức vì những sai sót trong việc cấp giấy chứng nhận cho 1.200 loại phân bón không nằm trong phạm vi được phép của trung tâm.

Ông Trần Quốc Tuấn



Hôm 5-8, Ông Ma Quang Trung cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết đã có quyết định cách chức ông Trần Quốc Tuấn giám đốc Trung tâm khảo, kiểm nghiệm phân bón khu vực Nam Bộ, vì sai sót cấp chứng nhận trên 1.200 loại phân bón ngoài phạm vi được phép của trung tâm.
Ông Trung cho biết, trong đợt thanh tra tháng 5/2016, Thanh tra của Bộ NN&PTNT phát hiện Trung tâm khảo, kiểm nghiệm phân bón khu vực Nam Bộ đã cấp trên 1.200 chứng nhận phân bón không nằm trong phạm vi được phép của trung tâm là phân lân và phân bón vô cơ hỗn hợp.
Ngoài ông Tuấn còn 2 cán bộ của trung tâm bị kỷ luật ở mức khiển trách và phê bình, một trong hai người phải chuyển công tác. Hiện tại phó giám đốc và kế toán trưởng của trung tâm cũng đang trong quá trình xem xét về trách nhiệm vì có liên quan đến vụ việc.

Ông Trung cũng cho biết trong số trên 1.200 loại phân bón các sở gửi danh sách về, Cục Trồng Trọt đã tiến hành xem xét và loại bớt hiện chỉ còn trên 280 sản phẩm là đủ điều kiện lưu hành. Hiện tại 11 trung tâm được chỉ định cấp chứng nhận hợp chuẩn hợp quy cũng đã bị yêu cầu tạm dừng tất cả các hoạt động và chờ đánh giá lại chất lượng.

Cá tiếp tục chết trên sông La Ngà

Người dân ở hạ nguồn sông La Ngà phải tháo bè kéo chạy lên hướng thượng nguồn, tránh nguồn nước ô nhiễm, nhưng cá lồng vẫn tiếp tục chết.



Ngày 27-2, Cơ quan chức năng huyện Định Quán (Đồng Nai) xác nhận cá nuôi lồng bè tiếp tục chết trắng trên sông La Ngà vào ngày 27-2 và buộc người nuôi cá bè ở hai xã Phú Ngọc và La Ngà (Định Quán) phải tháo lồng cá, di chuyển sang khúc sông khác. 

Tối 26-2, người dân nuôi cá bè cho biết nhiều, bè cá ở hạ nguồn sông La Ngà có hiện tượng cá nổi đầu sau đó chết hàng loạt. 

Đoạn sông xảy ra cá chết hiện có gần 70 hộ tham gia nuôi cá, trong đó có khoảng 20 hộ dân bị thiệt hại.

Anh Huỳnh Thanh Hồng (xã La Ngà) cho biết đa số cá của gia đình anh bị chết trong đợt này là cá diêu hồng, cá chép, cá lăng..., trong đó một lượng không nhỏ cá diêu hồng đang chuẩn bị cho thu hoạch.

Anh Nguyễn Văn Thanh Hồng, người đã đầu tư hơn 500 triệu đồng để nuôi năm bè cá, lo lắng cho biết chỉ sau một đêm hai bè cá đã chết nổi trắng bè, số khác đang tiếp tục nổi đầu và nguy cơ chết là rất cao.

Nhiều người dân nhận định hiện tượng cá chết hàng loạt này có thể do nguồn nước bị ô nhiễm xả ra từ các lò sản xuất đường, men...

Chủ tịch UBND xã Phú Ngọc - ông Nguyễn Văn Sang cho biết sau khi nhận được thông tin, xã đã thành lập đoàn đến khảo sát tình hình thực tế của các hộ dân, khuyến cáo bà con nên đưa bè lên phía thượng nguồn để tránh thiệt hại, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng để tìm hiểu nguyên nhân xảy ra cá chết.


Ô nhiễm trầm trọng tại Âu Thuyền Thọ Quang

Âu thuyền Thọ Quang mặc dù là nơi neo trú tàu thuyền lớn nhất khu vực miền Trung nhưng ở đây đang bị ô nhiễm trầm trọng.

Hiện trạng ô nhiễm môi trường tại âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng diễn ra trong 1 thời gian dài, chính quyền thành phố vẫn đang xoay sở với các giải pháp xử lý ô nhiễm nhưng vẫn chưa khắc phục được. Hàng ngày, hang giờ, người dân nơi đây vẫn phải sống chung với rác thải và mùi hôi.
Lượng rác thải tồn đọng tại âu thuyền Thọ Quang là kết quả của việc không xử lý hết được mặc dù mỗi ngày gần chục lượt công nhân thu gom

Âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng là nơi neo trú tàu thuyền lớn nhất khu vực miền Trung, thế nhưng môi trường ở đây đang bị ô nhiễm trầm trọng. Hàng trăm tấn rác thải đủ loại nổi lềnh bềnh trên mặt nước, lượng lớn khác bị sóng đánh dạt lên bờ. Âu thuyền Thọ Quang biến thành bãi xử lý rác thải khổng lồ. Mỗi ngày, gần chục lượt công nhân của Công ty môi trường đô thị Đà Nẵng thu gom và xử lý. Một phần được vận chuyển đi nơi khác, số khác được đốt tiêu hủy ngay trên bờ. Dù rất cố gắng nhưng các công nhân môi trường vẫn không thể nào xử lý dứt điểm lượng rác thải tồn đọng tại âu thuyền này.

Ông Phạm Thanh ở Tổ 41 trú tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng bức xúc: “Tình trạng rác tại âu thuyền Thọ Quang này, nhiều khi mưa gió, lụt lội, bao nhiêu thứ rác trôi ngập vào bờ kè này làm ô nhiễm môi trường”.

Cũng tại khu vực này, nước thải từ các nhà máy chế biến thủy sản chưa được xử lý triệt để, từ cảng cá và hàng trăm tàu cá đều xả thải thẳng ra âu thuyền. Nơi neo đậu tàu thuyền biến thành bãi xú uế. Ông Phạm Thanh, ở tổ 41, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng cho biết: mùi hôi tanh nồng nặc tại khu vực âu thuyền Thọ Quang khiến người dân địa phương khốn đốn từ nhiều năm nay.

Năm 2013, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố Đà Nẵng nhận bàn giao Trạm xử lý nước thải Thọ Quang từ Công ty Quốc Việt. Đơn vị này đã cải tạo, nâng cấp một số hạng mục như: bể sục khí, bể lắng, bể khử trùng, mái che gom khí, hệ thống xử lý mùi cho bể kỵ khí…

Ông Nguyễn Lê Hoài Minh, Trạm trưởng Trạm xử lý nước thải Thọ Quang cho biết: hiện tại Trạm mới chỉ thu gom, xử lý từ 2.000 đến 3.000m3/ngày đêm nước thải công nghiệp từ 25 doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản trong Khu Công nghiệp- Dịch vụ thủy sản Thọ Quang. Năm 2013, nâng cấp hệ thống xử lý khí tại bể gom. Năm 2014, làm mái che bể gom để ngăn khí và hút khí để xử lý. Tiếp theo đó, công ty cải tạo hệ thống xử lý tại bể khí, đấu nối trực tiếp qua bể gom để xử lý bậc hai. Từ đó tiến tới, khí ở đây đã được xử lý hoàn toàn triệt để.

Nói là vậy, nhưng trên thực tế, việc kiểm soát xả thải từ các cửa xả từ các doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản vẫn chưa chặt chẽ. Với diện tích gần 60 ha, Âu thuyền Thọ Quang là một vũng kín, không có dòng chảy lưu thông nên tình trạng ô nhiễm môi trường càng trở nên trầm trọng hơn.


Nước từ cống xả thải ra âu thuyền Thọ Quang.

Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải ông Phạm Mai Mã thành phố Đà Nẵng cho biết: “Thành phố đã có quyết định khống chế ô nhiễm xả thải của các doanh nghiệp trước khi thải ra hệ thống thu gom để đưa về nhà máy xử lý. Khi khống chế được độ ô nhiễm của các doanh nghiệp thì nhà máy xử lý nước thải không bị xốc thải như những năm trước”.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ông Huỳnh Đức Thơ thừa nhận, tình trạng ô nhiễm môi trường tại âu thuyền Thọ Quang là điểm nóng tồn tại nhiều năm qua nhưng chưa được thành phố giải quyết triệt để.

Trước thực trạng này, Thành phố Đà Nẵng đã quyết định đầu tư nâng cấp Trạm xử lý nước thải Sơn Trà với công suất 10.000 m3/ngày đêm để giải quyết tình trạng ô nhiễm về lâu dài cho khu vực này. Sau khi xây dựng xong nhà máy xử lý nước thải Sơn Trà. Dự kiến khoảng tháng 3, tháng 4/2016 sẽ hoàn thành, bài toán thu gom, xử lý nước thải tại Âu thuyền Thọ Quang sẽ được giải quyết từ 80 đến 90 phần trăm.

Để giải quyết căn cơ tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực Âu thuyền Thọ Quang, cùng với việc đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải Sơn Trà, hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải của Dự án hạ tầng ưu tiên tại Khu công nghiệp thủy sản dịch vụ Thọ Quang, cũng cần có sự phối hợp đồng bộ trong việc kiểm tra, kiểm soát việc xả thải của các nhà máy và tàu thuyền tại khu vực này.

Chưa giải quyết xong ô nhiễm, nhà máy tách cọng thuốc lá lại gây rung lắc

Nhà máy tách cọng thuốc lá trực thuộc công ty nguyên liệu thuốc lá Khatoco (tổng công ty Khánh Việt) đã được UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm tra việc chạy thử sau gần 2 tháng khắc phục ô nhiễm môi trường.





Giám đốc Công ty nguyên liệu thuốc lá Khatoco ông Đặng Thái Luyện, Nhiều biện pháp cải thiện môi trường đã đưa ra để cải thiện tình hình, giải quyết mâu thuẫn theo ý kiến chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh tại buổi đối thoại với người dân xung quanh nhà máy.


Tại khu vực sản xuất đã lắp thêm tấm che, tăng cường phun nước tại các họng xả khí của thiết bị xử lý mùi, lắp thêm hai hệ thống hút và thu gom bụi khô và lắp thêm hai hệ thống gom, xử lý mùi bằng nước. Tại khu vực nồi hơi, đã di chuyển ống khói nồi hơi cách xa khu dân cư khoảng 90m, lắp thêm các thiết bị cách âm, xây thêm bức tường cao 4m, dài 30m, tô trát tiêu âm để giảm tiếng ồn.



Những công việc này đã hoàn thành vào ngày 25-8, hiện đang vận hành để hiệu chỉnh, đồng thời có cơ sở để tiếp tục gia công, chế tạo thiết bị để giải quyết các vấn đề còn tồn tại.



Tuy nhiên, ông Luyện thừa nhận việc khắc phục phải kéo dài đến ngày 31-12 mới hoàn thành.



Nhiều người dân ở thôn Đắc Lộc 2, xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang nơi nhà máy đứng chân, cho biết sau khi nhà máy chạy thử bụi đen trước đây không còn thấy nhưng lại xuất hiện lớp bụi màu vàng, còn mùi thuốc lá đã bớt đậm đặc hơn trước nhưng vẫn rất khó chịu, đặc biệt gây rung lắcmạnh.



“Nhà máy chỉ mới chạy ba ngày mà gây rung lắc lớn như thế này, nếu chạy thêm mấy ngày nữa thì nhà cửa sẽ bị nứt.”- bà Phan Thị Liễu, có nhà ở gần nhà máy, nói.

Hàng ngàn người đang sử dụng nước ô nhiễm phân bò cty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai ?

Để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân thị xã An Khê đã xây dựng một bể nước trung tâm để đáp ứng nhu cầu nhưng một lượng váng phân đất cát đậm đặc dày hơn 10 cm kèm màu thâm đen bốc mùi hôi thối tồn tại ngay trong bể.

Gần 64 ngàn dân thị xã An Khê, thuộc tỉnh Gia Lai, trong đó rất nhiều người dân ở trung tâm thị xã sử dụng nguồn nước máy từ Nhà máy nước An Khê cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Nước được lấy lên chủ yếu từ dòng sông Ba. Ngọn nguồn của dòng sông đã bị chặn dòng thủy điện mà không trả lại cho dòng chảy tự nhiên; chất thải từ các nhà máy mì, mía, rồi trang trại bò tuồn xuống thành “dòng sông chết” đã đem lại bao hậu họa đau lòng...

Ô nhiễm ngập nhà máy nước.


Mùa nắng, mỗi khi đi qua thị xã An Khê, Gia Lai, mọi người lại cảm nhận mùi hôi thối bốc lên từ dòng sông Ba chạy qua thị xã. Đặc biệt, kể từ đầu năm 2015 đến nay cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của hàng chục hộ dân ở địa phương bị đảo lộn bởi sự ô nhiễm nghiêm trọng của khu chăn nuôi bò tập trung ở xã Thành An, thị xã An Khê.


Ông Nguyễn Thanh Tri ở thôn 3, xã Thành An bức xúc: “Mưa đổ xuống, phân bò ở đây tràn ra đậm đặc, nhà tôi coi như bỏ luôn ruộng lúa, ruộng dưa hơn 1ha, hồ cá... mà không biết kêu ai. Cá trong hồ chết không còn con nào; tôi và các hộ xung quanh lâu nay ăn cơm phải mắc mùng, ruồi nhặng nhiều chịu hết nổi cái mùi hôi thối của phân bò...”.

Hàng nghìn con bò thải chất thải ở dãy chuồng nằm giữa khu đất trồng cỏ gần 70ha trên địa bàn xã Thành An thị xã An khê, Gia Lai của doanh nghiệp thuộc Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đã gây ô nhiễm xung quanh.



Ô nhiễm ngập nhà máy nước.


Nhiều người dân cho biết, từ khi cơ sở chăn nuôi đưa vào hoạt động đến nay, lượng nước thải phân bò trong khu chăn nuôi tập trung này tràn ngập qua hồ chứa tạm, chảy qua khu vực sản xuất và sinh sống của hàng chục hộ dân thuộc thôn 1 và thôn 3 xã Thành An, thị xã An Khê.


Chị Đặng Thị Yến- Trưởng phòng Tài nguyên môi trường thị xã An khê cho biết: Qua phản ánh của người dân, Phòng Tài nguyên môi trường thị xã An Khê phối hợp với Sở Tài nguyên môi trường Gia Lai đã tiến hành kiểm tra thực tế tại trang trại chăn nuôi bò của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai.


Tại thời điểm kiểm tra thì nhà máy này chưa có báo cáo đánh giá tác động về môi trường. Trong khi quy mô trang trại lại phát triển ngày càng lớn, số lượng bò thịt khoảng gần 10 ngàn con nên lượng chất thải phân bò quá lớn, nhất là khi gặp trời mưa, nước phân bò tràn ra xung quanh gây ô nhiễm trầm trọng.


Nằm ở thế kẹt không thể di chuyển nhà máy nước nên trạm cấp nước sinh hoạt thị xã An Khê mỗi ngày vẫn phải bơm trực tiếp hàng ngàn m3 nước vào các bể lắng và sau đó xử lý theo phương pháp thủ công rồi cung cấp cho hàng chục ngàn hộ dân và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thị xã sử dụng.


Khi nhìn vào các hồ chứa nước tại nhà máy bằng mắt thường, bất cứ ai cũng không thể tin nổi đây lại là sự thật nơi cấp nước sinh hoạt cho con người. Một lượng váng phân, đất cát đậm đặc dày hơn 10 cm kèm màu thâm đen bốc mùi hôi thối tồn tại ngay trong bể nước trung tâm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân thị xã An Khê.


Phó ban Quản lý nhà máy nước thị xã An Khê ông Nguyễn Văn Thi-  thừa nhận từ cuối tháng 9 đến nay nước sông Ba có vấn đề ô nhiễm quá nặng, nguồn nước có mùi hôi tanh, phân bò đóng tảng rất lớn, không thể đưa vào sử dụng cho sinh hoạt được.


Qua kiểm định nguồn nước này có khuẩn độc hại rất cao, nguy cơ gây bệnh cho người sử dụng nên Ban Quản lý nhà máy nước thị xã An khê đã có văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền xin được tạm ngừng cung cấp nước sinh hoạt để xử lý tình huống. Tuy nhiên, mấy tháng qua vẫn chưa thể thực hiện được bởi trong thời điểm hiện tại có tới hơn 3 ngàn đồng hồ cố định, kèm theo đó là hàng chục ngàn nhân khẩu đang sử dụng nguồn nước của nhà máy, nếu dừng cung cấp một ngày sẽ gây xáo trộn cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân.


Chủ tịch UBND thị xã An Khê ông Nguyễn Hùng Vỹ cho biết, vấn đề ô nhiễm môi trường và ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân địa phương nên huyện đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra thực tế, sẽ xử lý ngay những vấn đề thuộc thẩm quyền. Vấn đề nào thuộc thẩm quyền cấp trên thì sẽ đề nghị phối hợp, xử lý...

11 cơ sở gây ô nhiễm môi trường bị xử lý dứt điểm ở Tây Ninh

Qua 2 năm nỗ lực thực hiện kế hoạch xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐTTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay tỉnh Tây Ninh đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống xử lý chất thải, nước thải tại 11 cơ sở, đạt 100% kế hoạch cơ sở cần phải xử lý.



Xử lý dứt điểm 11 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng


Theo ông Ngô Đức Hà, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Tây Ninh, trước năm 2014, trên địa bàn tỉnh có 11 cơ sở, trong đó 2 cơ sở hoạt động trong Khu chế xuất và công nghiệp Linh Trung III (xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng) là Công ty TNHH hóa chất và Môi trường Vũ Hoàng, Nhà máy xử lý nước thải tập trung của Khu chế xuất và 9 bệnh viện, Trung tâm y tế của tỉnh nằm trong danh sách “đen” cần phải khắc phục ô nhiễm nghiêm trọng đến năm 2020.


Bên cạnh nguồn kinh phí của 2 doanh nghiệp tư nhân trong Khu chế xuất tự bỏ ra khắc phục ô nhiễm, tỉnh Tây Ninh đã đầu tư 117 tỷ đồng (trong đó Trung ương hỗ trợ 50% kinh phí) để xây dựng hệ thống xử lý rác thải, nước thải y tế tại 9 bệnh viện, trung tâm y tế của các huyện, thành phố trong tỉnh.


Theo ghi nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh, đến nay 2 cơ sở hoạt động trong Khu chế xuất và công nghiệp Linh Trung III đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải được ngành chức năng xác nhận; 9 Trung tâm y tế, bệnh viện đang hoạt động thử nghiệm. Các hệ thống xử lý nước thải đều đạt quy chuẩn loại A trước khi xả ra môi trường.


Tính đến cuối năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 100% khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà máy chế biến đường và 94% nhà máy chế biến tinh bột sắn, 91,6% nhà máy chế biến mủ cao su đang hoạt động đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải đạt cột A Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường tương ứng; các nhà máy còn lại đều phải tạm ngưng hoạt động để xây dựng hệ thống xử lý nước thải, được ngành chức năng nghiệm thu, cấp giấy chứng nhận mới được hoạt động trở lại.

Bệnh viện cứu dân hay hành dân



Sống xung quanh Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam- Cu Ba TP. Đồng Hới (Quảng Bình), hàng chục hộ dân đang sống trong cảnh ngạt thở, mùi hôi thối khó chịu và lo sợ nhiễm bệnh khi hàng ngày hít phải khói thải từ lò đốt rác thải của bệnh viện này gây ra.

Nhiều người dân phản ánh, bệnh viện này đốt lý thải y tế với khối lượng lớn khiến khói bụi dày đặc bao phủ cả khu dân cư gây nên tình trạng nhiễm. Nhiều người rất lo lắng cho sức khỏe của mình và gia đình khi hàng ngày đều phải chịu sự ‘tra tấn’ bởi mùi hôi thối ô nhiễm từ lồ đốt rác thải bệnh viện.



Trọ chỉ cách Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba khoảng 100m ông Phan Dụng bức xúc nói: “Ô nhiễm lắm các chú à, thời gian gần đây bệnh viện đốt rác thường xuyên. Toàn vào buổi chiều tối, có ngày đốt từ 18 giờ cho đến 20 giờ, khói bụi mù mịt không thể thở được. Giờ không biết kêu ai nữa. Chúng tôi đã làm đơn phản ánh rồi nếu tình hình khói thải ô nhiễm này của bệnh viện mà không ngừng chắc tôi sẽ phải chuyển gia đình mình đi thuê nơi khác ở”.

Mỗi khi bệnh viện đốt rác thải là những hộ dân chỉ có cách là đóng kín cửa để khói bụi từ lò đốt không bay vào là bức xúc của nhiều người dân tại khu phố 14, phường Nam Lý, TP.Đồng Hới. Người dân cũng đặt câu hỏi không biết vì sao tình trạng này đã diễn ra trong một thời gian dài nhưng đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng can thiệp, ngăn chặn, xử lý?.

Bác Nguyễn Thùy nhà tại khu phố 14, phường Nam Lý phản ánh: “Các anh cứ khoảng 17 giờ, 18 giờ xuống đây là thấy, ngày nào họ cũng đốt, khói bay đen kịt, mùi khói hôi thối từ rác thải độc khó chịu. Thời điểm bệnh viện đốt rác thải là lúc các gia đình ở xung quanh bệnh viện đã đi làm về, nấu ăn mà không khí ô nhiễm như vậy nên đều phải đóng kín cửa. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm đơn gửi Trung ương nếu tình trạng này kéo dài, chứ không thể chịu nổi”.

Cứ khoảng từ 17 giờ là Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam- Cu Ba Đồng Hới lại đốt rác thải, chỉ khoảng 10 phút sau khi khói từ lò đốt rác bay ra thì toàn khu vực dân cư cách với lò đốt rác thải chừng 100m đã bị một màu khói đen bao phủ, mùi hôi thối khó chịu từ khói lò đốt rác thải lan tỏa khắp khu dân cư.



Kỹ sư môi trường của bệnh viện Phạm Hồng Vân thống kê được, mỗi ngày có khoảng 150kg rác thải lây nhiễm thì chỉ xử lý đốt được khoảng 70- 90kg, số còn lại đốt dần. “Do lò vi sóng đã bị hỏng nên lượng rác thải đốt nhiều hơn thời điểm trước, đốt từ 18 giờ hàng ngày và chỉ đốt khoảng chừng 15 phút thôi. Hệ thống lò đó đã hoạt động gần 35 năm nay nên đã xuống cấp, hiện bệnh viện vẫn chưa có nguồn vốn để xây lại”, chị Phạm Hồng Vân cho biết.

Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên vào lúc gần 17 giờ ngày 2 và 3/12/2015, lò đốt của Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam- Cu Ba Đồng Hới khói từ lò đốt rác thải đã nghi ngút trời, một vùng rộng lớn khu dân cư bị khói từ lò đốt này bao phủ, mãi đến gần 19 giờ thì cột khói đen từ lò đốt rác thải bệnh viện mới ngừng bay ra.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Nam Lý, TP. Đồng Hới, ông Nguyễn Văn Tuế cho biết: “Vừa rồi tiếp xúc cử tri người dân đã có ý kiến phản ánh về việc lò đốt rác thải của bệnh viện gây ô nhiễm. Thời gian trước người dân xung quanh khu vực lò đốt rác của bệnh viện cũng đã phản ánh rồi, Ủy ban nhân dân phường tiếp thu ý kiến của dân nhưng không thể nhìn nhận đánh giá được sự ô nhiễm như thế nào. Phường đã có văn bản gửi cấp trên, thuộc đơn vị nào quản lý thì họ giải quyết”.

Hiện, lò vi sóng xử lý rác thải y tế của Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam- Cu Ba Đồng Hới đã hỏng nên thời gian qua Bệnh viện chỉ có một cách xử lý rác thải là đốt. Lò đốt rác thải y tế của bệnh viện đã được xây dựng và hoạt động gần 35 năm, thế nhưng cho đến lò đốt này vẫn chưa có hệ thống xử lý khí thải khi đốt rác thải y tế thải ra môi trường.


Lò rác xuống cấp trầm trọng


Hệ thống lò đốt rác thải này đã bị xuống cấp nghiêm trọng, từ cột khói và hệ thống lò đốt bê tông đã bị vữa ra, thép bị lộ ra ngoài hoen rỉ, thế nhưng thời gian qua bệnh viện này mỗi ngày vẫn đốt gần trăm kg rác thải ý tế và xả khói thải ra môi trường gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân sống xung quanh.

Bác sỹ Nguyễn Xuân Đoàn - Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam- Cu Ba Đồng Hới thừa nhận việc lò đốt rác có gây ảnh hưởng đến môi trường, nhưng lý giải cho hoạt động đốt rác thải trong một thời gian dài gây ô nhiễm đến người dân thì ông Đoàn cho rằng là do bệnh viện thiếu nguồn vốn nên chưa xây dựng được lò đốt mới(?). “BVHN Việt Nam- Cu Ba Đồng Hới được xây dựng từ năm 1981, quá trình xây dựng đến nay đã bị xuống cấp, mặc dù bệnh viện đã nhiều lần duy tu, bảo dưỡng nhưng đã cũ so với công nghệ hiện nay. Hiện nay, do thiếu nguồn vốn nên vẫn chưa thể xây dựng lại hệ thống lò đốt xử lý rác, trước mắt phải tìm nguồn kinh phí để xây dựng lại lò đốt”.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thăng Long- Phó phòng Tài nguyên và Môi trường TP.Đồng Hới cho biết: “Tình trạng này đã diễn ra khoảng 2 năm lại đây, Phòng đã nhiều lần có văn bản gửi Sở Tài nguyên và môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo về tình trạng này. Phòng Tài nguyên và môi trường chỉ phối hợp với đoàn liên ngành kiểm tra, nhắc nhở, chứ không thể xử phạt vì Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam- Cu Ba Đồng Hới do Sở Tài nguyên và môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý”.

Liệu đến bao giờ người dân sống xung quanh bệnh viện mới thoát khói cảnh bị ‘tra tấn’ bởi khỏi bụi ô nhiễm từ hoạt động đốt rác thải ý tế của bệnh viện này?. Câu hỏi này xin giành cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình!.