Hàng ngàn người đang sử dụng nước ô nhiễm phân bò cty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai ?

Để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân thị xã An Khê đã xây dựng một bể nước trung tâm để đáp ứng nhu cầu nhưng một lượng váng phân đất cát đậm đặc dày hơn 10 cm kèm màu thâm đen bốc mùi hôi thối tồn tại ngay trong bể.

Gần 64 ngàn dân thị xã An Khê, thuộc tỉnh Gia Lai, trong đó rất nhiều người dân ở trung tâm thị xã sử dụng nguồn nước máy từ Nhà máy nước An Khê cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Nước được lấy lên chủ yếu từ dòng sông Ba. Ngọn nguồn của dòng sông đã bị chặn dòng thủy điện mà không trả lại cho dòng chảy tự nhiên; chất thải từ các nhà máy mì, mía, rồi trang trại bò tuồn xuống thành “dòng sông chết” đã đem lại bao hậu họa đau lòng...

Ô nhiễm ngập nhà máy nước.


Mùa nắng, mỗi khi đi qua thị xã An Khê, Gia Lai, mọi người lại cảm nhận mùi hôi thối bốc lên từ dòng sông Ba chạy qua thị xã. Đặc biệt, kể từ đầu năm 2015 đến nay cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của hàng chục hộ dân ở địa phương bị đảo lộn bởi sự ô nhiễm nghiêm trọng của khu chăn nuôi bò tập trung ở xã Thành An, thị xã An Khê.


Ông Nguyễn Thanh Tri ở thôn 3, xã Thành An bức xúc: “Mưa đổ xuống, phân bò ở đây tràn ra đậm đặc, nhà tôi coi như bỏ luôn ruộng lúa, ruộng dưa hơn 1ha, hồ cá... mà không biết kêu ai. Cá trong hồ chết không còn con nào; tôi và các hộ xung quanh lâu nay ăn cơm phải mắc mùng, ruồi nhặng nhiều chịu hết nổi cái mùi hôi thối của phân bò...”.

Hàng nghìn con bò thải chất thải ở dãy chuồng nằm giữa khu đất trồng cỏ gần 70ha trên địa bàn xã Thành An thị xã An khê, Gia Lai của doanh nghiệp thuộc Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đã gây ô nhiễm xung quanh.



Ô nhiễm ngập nhà máy nước.


Nhiều người dân cho biết, từ khi cơ sở chăn nuôi đưa vào hoạt động đến nay, lượng nước thải phân bò trong khu chăn nuôi tập trung này tràn ngập qua hồ chứa tạm, chảy qua khu vực sản xuất và sinh sống của hàng chục hộ dân thuộc thôn 1 và thôn 3 xã Thành An, thị xã An Khê.


Chị Đặng Thị Yến- Trưởng phòng Tài nguyên môi trường thị xã An khê cho biết: Qua phản ánh của người dân, Phòng Tài nguyên môi trường thị xã An Khê phối hợp với Sở Tài nguyên môi trường Gia Lai đã tiến hành kiểm tra thực tế tại trang trại chăn nuôi bò của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai.


Tại thời điểm kiểm tra thì nhà máy này chưa có báo cáo đánh giá tác động về môi trường. Trong khi quy mô trang trại lại phát triển ngày càng lớn, số lượng bò thịt khoảng gần 10 ngàn con nên lượng chất thải phân bò quá lớn, nhất là khi gặp trời mưa, nước phân bò tràn ra xung quanh gây ô nhiễm trầm trọng.


Nằm ở thế kẹt không thể di chuyển nhà máy nước nên trạm cấp nước sinh hoạt thị xã An Khê mỗi ngày vẫn phải bơm trực tiếp hàng ngàn m3 nước vào các bể lắng và sau đó xử lý theo phương pháp thủ công rồi cung cấp cho hàng chục ngàn hộ dân và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thị xã sử dụng.


Khi nhìn vào các hồ chứa nước tại nhà máy bằng mắt thường, bất cứ ai cũng không thể tin nổi đây lại là sự thật nơi cấp nước sinh hoạt cho con người. Một lượng váng phân, đất cát đậm đặc dày hơn 10 cm kèm màu thâm đen bốc mùi hôi thối tồn tại ngay trong bể nước trung tâm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân thị xã An Khê.


Phó ban Quản lý nhà máy nước thị xã An Khê ông Nguyễn Văn Thi-  thừa nhận từ cuối tháng 9 đến nay nước sông Ba có vấn đề ô nhiễm quá nặng, nguồn nước có mùi hôi tanh, phân bò đóng tảng rất lớn, không thể đưa vào sử dụng cho sinh hoạt được.


Qua kiểm định nguồn nước này có khuẩn độc hại rất cao, nguy cơ gây bệnh cho người sử dụng nên Ban Quản lý nhà máy nước thị xã An khê đã có văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền xin được tạm ngừng cung cấp nước sinh hoạt để xử lý tình huống. Tuy nhiên, mấy tháng qua vẫn chưa thể thực hiện được bởi trong thời điểm hiện tại có tới hơn 3 ngàn đồng hồ cố định, kèm theo đó là hàng chục ngàn nhân khẩu đang sử dụng nguồn nước của nhà máy, nếu dừng cung cấp một ngày sẽ gây xáo trộn cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân.


Chủ tịch UBND thị xã An Khê ông Nguyễn Hùng Vỹ cho biết, vấn đề ô nhiễm môi trường và ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân địa phương nên huyện đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra thực tế, sẽ xử lý ngay những vấn đề thuộc thẩm quyền. Vấn đề nào thuộc thẩm quyền cấp trên thì sẽ đề nghị phối hợp, xử lý...

Đăng nhận xét